Bệnh lậu - Tờ Thông Tin của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC)
This web page is archived for historical purposes and is no longer being updated.
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị bệnh lậu. Bệnh lậu có thể gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng khi không được điều trị, nhưng có thể chữa khỏi bằng loại thuốc phù hợp.
Bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Ðây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24.
Bệnh lậu lây truyền như thế nào?
Bạn có thể bị nhiễm bệnh lậu khi quan hệ tình dục qua hậu môn, âm đạo hay bằng miệng với người mắc bệnh lậu.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu có thể truyền bệnh sang em bé trong quá trình sinh nở.
Tôi có thể tránh nhiễm bệnh lậu bằng cách nào?
Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh lậu bằng cách:
- Không quan hệ tình dục;
- Duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ cả hai phía với người bạn tình đã được xét nghiệm và có kết quả kiểm tra âm tính với STD;
- Sử dụng bao cao su latex và tấm bảo vệ miệng đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.
Tôi có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh lậu hay không?
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị lây nhiễm bệnh lậu khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn, âm đạo hoặc bằng miệng.
Nếu bạn có quan hệ tình dục, hãy nói chuyện cởi mở và trung thực với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỏi xem bạn có nên đi xét nghiệm bệnh lậu hoặc các STD khác hay không. Nếu bạn là người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục với đàn ông, bạn nên xét nghiệm bệnh lậu hàng năm.
Tôi đang mang thai. Bệnh lậu ảnh hưởng đến con tôi như thế nào?
Nếu bạn đang mang thai và nhiễm bệnh lậu, bạn có thể truyền bệnh sang con mình trong quá trình sinh nở. Ðiều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho con của bạn. Nếu bạn đang mang thai, bạn cần phải nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để được kiểm tra, xét nghiệm và điều trị phù hợp, nếu cần. Ðiều trị bệnh lậu càng sớm thì có thể sẽ làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng về sức khỏe cho con của bạn.
Làm sao tôi biết mình có mắc bệnh lậu hay không?
Một số nam giới mắc bệnh lậu có thể không có triệu chứng nào cả. Tuy nhiên, ở những nam giới có triệu chứng, đó có thể là:
- Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
- Dịch trắng, vàng hoặc xanh lá cây tiết ra từ dương vật;
- Tinh hoàn bị đau hoặc sưng (mặc dù triệu chứng này ít gặp).
Hầu hết phụ nữ nhiễm bệnh lậu đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi phụ nữ có triệu chứng, chúng cũng thường nhẹ và có thể bị nhầm là nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang. Phụ nữ mắc bệnh lậu có nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng, ngay cả nếu họ không có bất kỳ triệu chứng nào.
Những triệu chứng ở phụ nữ có thể bao gồm:
- Cảm giác đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện;
- Tăng dịch tiết âm đạo;
- Chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Nhiễm trùng trực tràng có thể không gây ra triệu chứng nào hoặc gây ra các triệu chứng ở cả nam và nữ, gồm có:
- Tiết dịch;
- Ngứa hậu môn;
- Ðau nhức;
- Chảy máu;
- Ðại tiện đau.
Bạn nên để bác sĩ kiểm tra nếu bạn phát hiện thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc nếu bạn tình của bạn mắc STD hoặc các triệu chứng của STD, ví dụ như đau bất thường, tiết dịch có mùi, nóng rát khi tiểu tiện hoặc ra máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Bác sĩ của tôi biết được tôi bị nhiễm bệnh lậu bằng cách nào?
Trong hầu hết các trường hợp, có thể sử dụng nước tiểu để xét nghiệm bệnh lậu. Tuy nhiên, nếu bạn quan hệ tình dục qua đường hậu môn và/hoặc đường miệng, có thể sử dụng gạc để thu thập mẫu xét nghiệm từ cổ họng và/hoặc trực tràng của bạn. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng gạc để thu thập mẫu từ niệu đạo (đường tiểu) của nam giới hoặc cổ tử cung (lỗ vào dạ con) của phụ nữ.
Bệnh lậu có thể chữa khỏi hay không?
Có, bệnh lậu có thể chữa khỏi bằng phương pháp điều trị thích hợp. Ðiều quan trọng là bạn sử dụng tất cả các thuốc mà bác sĩ kê đơn để chữa khỏi căn bệnh truyền nhiễm này. Không nên dùng chung thuốc điều trị bệnh lậu với bất kỳ ai. Mặc dù thuốc sẽ ngăn sự lây nhiễm, nó sẽ không phục hồi lại được bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào do bệnh này gây ra.
Ðiều trị bệnh lậu đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì các biến thể kháng thuốc của bệnh lậu đang ngày càng gia tăng. Nếu các triệu chứng của bạn kéo dài nhiều hơn một vài ngày sau khi được điều trị, bạn nên quay lại gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để được khám lại.
Tôi đã được điều trị bệnh lậu. Khi nào tôi có thể quan hệ tình dục trở lại?
Bạn nên đợi bảy ngày sau khi dùng hết tất cả các loại thuốc trước khi quan hệ tình dục. Ðể tránh bị tái nhiễm bệnh lậu hoặc lây lan bệnh lậu cho (những) bạn tình của bạn, bạn và (những) bạn tình của bạn nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi mỗi người đều đã hoàn tất điều trị. Nếu trước đây bạn đã bị nhiễm bệnh lậu và dùng thuốc, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm nếu có quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh lậu.
Chuyện gì xảy ra nếu tôi không được điều trị?
Bệnh lậu không được điều trị có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và vĩnh viễn ở cả nam và nữ.
Ở phụ nữ, bệnh lậu không được điều trị có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID). Một số biến chứng của PID là
- Hình thành mô sẹo làm tắc ống dẫn trứng;
- Hiện tượng thai ngoài tử cung (mang thai bên ngoài dạ con);
- Vô sinh (không thể có thai);
- Ðau bụng/đau vùng chậu lâu dài.
Ở nam giới, bệnh lậu có thể gây ra tình trạng đau đớn trong các ống nối với tinh hoàn. Trong các trường hợp hiếm gặp, bệnh này có thể khiến cho nam giới bị vô sinh hoặc mấtù khả năng làm cha.
Bệnh lậu không được điều trị còn có thể lan vào máu hoặc khớp của bạn trong một số trường hợp hiếm gặp. Bệnh trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Bệnh lậu không được điều trị còn có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây truyền HIV - loại vi rút gây ra bệnh AIDS.
Tôi có thể lấy thêm thông tin ở đâu?
Ban Phòng Chống Bệnh Lây Nhiễm Qua Ðường Tình Dục (DSTDP)
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC)
www.cdc.gov/std
Trung Tâm Liên Lạc CDC-INFO
1-800-CDC-INFO (1-800-232-4636)
Liên lạc www.cdc.gov/info
Lần duyệt xét cuối: Ngày 29 tháng Giêng, 2014
- Page last reviewed: tháng một 29, 2014 (archived document)
- Content source: